1. Nên đi du học Nhật Bản hay là Hàn Quốc?
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những đất nước có nền kinh tế phát triển hiện đại và xem giáo dục là mũi nhọn đầu tư và phát triển cho tương lai, hầu như việc học tập tại hai quốc gia này đều được chính phủ quan tâm để không có sự phân biệt sinh viên trong nước hay sinh viên nước ngoài. Mọi chính sách đãi ngộ cũng đều được phát triển ra nước ngoài nhằm tìm kiếm những tài năng để bồi dưỡng và rèn luyện.
Các trường học tại hai đất nước này đều có quy mô lớn, khuôn viên trường rộng đẹp và đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết cho sinh viên quốc tế. Đặc biệt, chất lượng giảng dạy tốt với đội ngũ giảng viên hầu như là các tiến sĩ, thạc sĩ được cử đi đào tạo tại những trường đại học nổi tiếng trên thế giới.
Vậy thay vì trả lời câu hỏi “Du học Nhật Bản hay Hàn Quốc tốt hơn”, bạn nên tìm hiểu và trả lời câu hỏi đâu là nơi phù hợp nhất cho con đường học tập của bạn. Việc lựa chọn du học tại Nhật Bản hay Hàn Quốc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:
- Ngành học bạn lựa chọn: Mỗi đất nước đều có những ngành có chất lượng đào tạo vượt trội, chính vì vậy bạn cần tìm hiểu xem ngành học mình mong muốn học là thế mạnh của đất nước nào. Với Nhật Bản những ngành: điều dưỡng, công nghệ thông tin,du lịch, Nhà hàng – khách sạn, Cơ khí, Ô tô, điện tử, điện lạnh…là thế mạnh. Hàn Quốc lại chiếm ưu thế ở những ngành: thẩm mỹ, làm đẹp, beauty, marketing, PR, thiết kế thời trang, quản trị kinh doanh hay mỹ thuật đa phương tiện,…
- Độ tuổi: du học Hàn độ tuổi phù hợp sẽ từ 18 – 30 tuổi, Nhật Bản sẽ từ 18 – 32 tuổi.
- Điều kiện tài chính: đây là điều hết sức quan trọng bạn cần tìm hiểu kĩ để đưa ra lựa chọn nên học tập ở đâu. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đất nước có mức sống khá cao nên việc sống và học tập tại Nhật Bản hay Hàn Quốc có phần tốn kém hơn so với việc học tập tại Việt Nam là điều đương nhiên. Nhưng điều này cũng không quá cản trở nếu tính ra việc du học 1 năm tại Nhật Bản bao gồm tất cả các chi phí hết trung bình khoảng 12.000 USD, con số này sẽ nhỏ hơn nếu bạn du học tại Hàn Quốc.
2. Mình tốt nghiệp cấp 3 thôi thì có thế đi du học được ở Nhật hay Hàn?
Tốt nghiệp cấp 3 là bạn đã đủ điều kiện đi du học cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chỉ ngoại trừ một số chương trình đặc biệt (kĩ sư Nhật Bản, học bổng Y khoa, du học hệ thạc sĩ Hàn,…) sẽ yêu cầu bạn có bằng đại học hoặc cao đẳng thì những chương trình còn lại bạn chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể tham gia.
3. Du học Nhật Bản có những ngành nào?
Nhật đào tạo khá đa dạng ngành, tuy nhiên những ngành đào tạo mũi nhọn được đánh giá là đang HOT nhất tại Nhật và trong tình trạng thiếu nhân lực là:
- Cơ khí chế tạo
- Du lịch, nhà hàng, khách sạn
- Quản trị kinh doanh
- Điều dưỡng, sức khỏe và y tế
- Biên phiên dịch (du học tiếng).
4. Điều kiện cơ bản để du học Nhật Bản là gì?
Bạn cần điều kiện cơ bản sau để có thể du học Nhật Bản:
- Tuổi từ 18 – 32
- Đã tốt nghiệp THPT
- Số năm trống không quá 3 năm
- Ứng viên không có tiền án, tiền sự, không thuộc diện cấm xuất cảnh của Cục quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam
- Điểm trung bình THPT trên 6.0.
5. Có thể học ở những vùng nào của Nhật Bản?
Bạn có thể học ở bất kì vùng nào tại Nhật Bản nếu bạn muốn, trừ khu vực tỉnh Fukushima đang bị đóng cửa do ảnh hưởng rò rỉ phóng xạ bởi trận động đất kèm sóng thần ngày 11/03/2011.
6. Du học Nhật Bản có mấy kì?
Du học Nhật Bản một năm có 4 kỳ tuyển sinh:
- Kỳ tuyển sinh tháng 01 hàng năm (thời gian học Giai đoạn 1 là 1 năm 3 tháng). Bạn có thể nộp hồ sơ từ 15 tháng 06 – 10 tháng 8 năm trước
- Kỳ tuyển sinh tháng 04 hàng năm (thời gian học Giai đoạn 1 là 2 năm). Bạn có thể nộp hồ sơ từ 15 tháng 08 – 10 tháng 11 năm trước
- Kỳ tuyển sinh tháng 07 hàng năm (thời gian học Giai đoạn 1 là 1 năm 9 tháng). Bạn có thể nộp hồ sơ từ 15 tháng 11 – 10 tháng 03 trong năm
- Kỳ tuyển sinh tháng 10 hàng năm (thời gian học Giai đoạn 1 là 1 năm 6 tháng). Bạn có thể nộp hồ sơ từ 15 tháng 03 – 10 tháng 06 trong năm.
7. Mình bị nhiễm viêm gan B thì có đủ điều kiện tham gia chương trình du học Nhật Bản không?
Đây là chương trình du học Nhật Bản chứ không phải Thực tập sinh nên nhiễm Viêm gan B bạn vẫn hoàn toàn đủ điều kiện tham gia.
Tuy nhiên sau thời gian học tập tại Nhật Bản. Nếu bạn muốn ở lại làm việc thì tùy thuộc vào các công ty Nhật Bản có muốn nhận bạn hay không. Thông thường thì các công ty quốc doanh Nhật Bản sẽ không nhận những đối tượng này, còn công ty tư nhân thì tùy thuộc vào cách nghĩ của chủ doanh nghiệp.
8. Thời gian du học Nhật Bản là khoảng bao lâu?
Khi sang Nhật du học bạn sẽ trải qua 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Bạn học tiếng tại các trung tâm, trường Nhật ngữ từ 1 năm 3 tháng – 2 năm.
- Giai đoạn 2: Bạn theo học các bậc học Trung cấp (2 năm), Cao đẳng (3 năm), Đại học (4 - 5 năm), Cao học (2 năm),… Bạn có thể lựa chọn bất cứ chuyên ngành nào bạn yêu thích.
9. Quy định làm thêm khi du học tại Nhật Bản như thế nào?
Chính phủ Nhật Bản quy định bạn được đi làm thêm sau 1 tháng nhập học tại trường, bạn cần xin giấy phép làm thêm từ trường bạn học và giấy phép làm thêm từ cục xuất nhập cảnh nơi bạn sinh sống.
- Quy định chung về những việc du học sinh được phép làm: Du học sinh không được phép làm việc tại các cơ sở, công ty liên quan đến ngành công nghiệp giải trí người lớn hay những công việc liên quan đến tình dục, ngay cả những công việc như lau dọn, rửa bát ở những cơ sở này cũng không được phép. Du học sinh không làm những công việc vi phạm pháp luật và đạo đức.
- Quy định về thời gian đi làm thêm tại Nhật Bản: Bạn được làm thêm tối đa 28 giờ/tuần khi có giấy phép làm thêm. Như vậy có nghĩa là bạn được làm tối đa 4 tiếng/ngày. Đối với kì nghỉ dài của nhà trường như nghỉ hè, mùa đông và các ngày lễ vào mùa xuân, du học sinh được phép làm thêm tới 8 giờ/ngày.
10. Công việc làm thêm tại Nhật thường là gì và mức lương là bao nhiêu?
- Những công việc bạn làm sẽ như: Phục vụ tại quán ăn (lau dọn, rửa bát, bưng bê, tính tiền…), phát báo, đóng gói cơm hộp, làm việc tại xưởng giặt là, làm việc trong xưởng đông lạnh, làm việc trong nhà máy chế biến rau quả, làm việc trong xưởng may, các Trung tâm đóng gói thực phẩm, lau cửa kính các tòa nhà cao tầng, công nhân xây dựng, các xưởng mộc, dọn vệ sinh nhà máy, khu công nghiệp…
- Công việc của bạn được trả lương theo giờ làm việc. Mức lương của bạn nhận được tùy thuộc vào khả năng tiếng Nhật, sự nhanh nhẹn, sức khỏe của bạn. Thông thường dao động từ 800 – 1.200 Yên/giờ. Ví dụ mức lương thấp nhất mà bạn nhận được là 800 Yên/giờ, ngày thường bạn làm việc 4 tiếng, (lễ, tết bạn có thể làm 8 tiếng), như vậy tổng lương bạn nhận được trong một tháng là: 152 giờ * 800 Yên = 121.600 Yên/tháng tương đương 25.536.000 VNĐ/tháng (theo tỷ giá ngày 20/04/2014).
11. Đi làm thêm có đủ chi trả chi phí sinh hoạt hàng tháng không?
- Tiền học của bạn bao gồm: học phí, sách vở, đồng phục, bảo hiểm, lệ phí thi…, vào khoảng 700.000 Yên/năm
- Tiền ăn: Chi phí khoảng 15.000 Yên/tháng (tự nấu ăn). Như vậy 1 năm sẽ là 180.000 Yên
- Tiền ở: Bạn có thể ở ký túc xá của nhà trường hoặc thuê nhà bên ngoài để ở. Phí thuê nhà vào khoảng 30.000 Yên/tháng. Như vậy 1 năm sẽ là 360.000 Yên
- Tiền tiêu vặt, đi lại, điện thoại 1 tháng khoảng 15.000 Yên. Như vậy 1 năm sẽ là 180.000 Yên
Tổng phí 1 năm của bạn sẽ vào khoảng: 1.420.000 Yên.
Tổng thu nhập tối thiểu của bạn trong 1 năm: 121.600 Yên/tháng * 12 tháng = 1.459.000 Yên
Như vậy bạn có thể hoàn toàn yên tâm: làm thêm sẽ đủ cho bạn trang trải toàn bộ chi phí. Đó là chưa kể đến những kỳ nghỉ hè, nghỉ đông, nghỉ xuân, nghỉ hạ, bạn được phép đi làm toàn bộ thời gian 8 tiếng/ ngày. Mức lương cũng thay đổi từ 800 Yên/giờ lên mức cao hơn nếu khả năng tiếng Nhật của bạn tăng lên. Theo điều tra của chúng tôi thì gần 100% các bạn học sinh Việt Nam du học tại Nhật Bản không những tiết kiệm được đủ tiền để đóng học mà một số bạn còn gửi tiền về phụ giúp gia đình tại Việt Nam.
12. Chi phí du học Nhật Bản là bao nhiêu?
Số tiền bạn phải bỏ ra khi đăng kí du học Nhật Bản là khoảng 147 – 210 triệu đồng (tùy theo mức học mỗi trường khác nhau).
13. Mình muốn học nghề hoặc Trung cấp tại Nhật Bản? Vậy có những ngành nghề gì? Thời gian học bao lâu? Sau khi tốt nghiệp mình có thể ở lại Nhật Bản làm việc hay không? Nếu ở lại làm việc một thời gian mình muốn học liên thông lên Cao Đẳng, Đại học tại Nhật Bản có được không?
- Nơi đào tạo nghề trong các trường chuyên nghiệp gọi là trường Trung cấp. Đây là cơ sở giáo dục cung cấp các kiến thức cần thiết, các kỹ năng thực hành trong cuộc sống và nghề nghiệp. Có rất nhiều ngành học để bạn có thể lựa chọn như: y tế, công nghệ, văn hóa, sư phạm, nghiệp vụ thương mại, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, phúc lợi xã hội, may thời trang, nấu ăn, nông nghiệp, cơ khí, điện dân dụng, xây dựng…và một số ngành nghề khác mà bạn cần học thêm 6 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề như: đạo diễn phim hoạt hình, đạo diễn phim, biên kịch, thiết kế trò chơi, thiết kế nội thất, sửa chữa ô tô, y tá, chuyên gia dinh dưỡng, bếp trưởng, kiểm toán viên, tiếp viên hàng không, chuyên viên thẩm mĩ, cô nuôi dậy trẻ, phục vụ khách sạn, tạo mốt, chế tác đá quí, thiết kế thời trang, dọn dẹp nhà cửa,…
- Thời gian học nghề là 2 năm. Một số ngành nghề đặc biệt phải có chứng chỉ hành nghề thì bạn cần học thêm 6 tháng nữa để lấy chứng chỉ
- Sau khi tốt nghiệp bạn hoàn toàn đủ điều kiện để ở lại Nhật Bản làm việc. Sau một thời gian làm việc, nếu bạn tích đủ số tiền để theo học Đại học, hoặc bạn có mong muốn học Đại học để lấy bằng cấp cao hơn, bạn có thể đăng kí học liên thông từ 2 – 3 năm để lấy bằng Đại học.
14. Đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng tại Việt Nam, nếu chỉ đi du học tiếng 2 năm sau đó đi làm tại Nhật có được không ?
Vấn đề này của bạn thì không có gì là khó khăn, chỉ cần bạn chuyển visa từ visa đi học sang visa đi lao động là được.
15. Hiện tại mình đang học năm thứ 2 tại trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. Nếu mình đăng ký du học tại Nhật Bản thì khi học xong Giai đoạn 1 (trường tiếng), mình có thể vào năm học thứ 3 Đại học, Cao đẳng tại Nhật Bản không?
Về nguyên tắc thì bạn không được phép nhập học vào năm thứ 3 tại trường Đại học, Cao đẳng tại Nhật Bản do hệ thống giáo dục Việt Nam và Nhật Bản khác nhau.
16. Trong quá trình học tập hoặc làm việc tại Nhật Bản. Chẳng may tôi bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật thì chế độ bảo hiểm đối với tôi như thế nào?
Khi bạn không may bị tai nạn ốm đau, bệnh tật thì chế độ bảo hiểm cho bạn là 91% tổng số tiền mà bạn phải chi trả viện phí, thuốc men. Ví dụ: ban bị đau ruột thừa, chi phí khám mổ, chữa bệnh, thuốc men hết tổng trị giá là 100 triệu đồng thì chính phủ Nhật chi trả cho bạn 91 triệu đồng, còn lại bạn chỉ trả 9 triệu. Đối với trường hợp “chết người” thì mức bồi thường tối đa là 1.000.000 yên/ người = 260 triệu đồng/ người.
17. Mình có cần học tiếng Nhật trước khi du học Nhật Bản không ?
Bạn nên theo học tiếng Nhật tại Việt Nam tối thiểu 3 tháng (song song với quá trình chuẩn bị hồ sơ du học). Việc này sẽ giúp ích cho bạn khi bạn đặt chân đến Nhật Bản là có thể đi làm luôn. Và cũng thuận lợi hơn cho bạn trong quá trình theo học tại Nhật Bản.
Hơn nữa có một số chương trình yêu cầu bạn cần có chứng chỉ tiếng Nhật (N3, N4, N5…) nên việc học tiếng Nhật trước tại Việt Nam là rất cần thiết.
18. Trong thời gian học tập tại Nhật Bản mình có được về nước thăm gia đình không? Có được mời người thân sang Nhật Bản chơi không?
Trong thời gian theo học tại Nhật Bản bạn có thể tranh thủ các kì nghỉ để về thăm gia đình. Một năm học của bạn tại Nhật Bản có 3 kì nghỉ là: nghỉ Xuân, nghỉ Hạ, nghỉ Đông (tổng thời gian nghỉ khoảng 2 tháng). Tuy nhiên với kinh nghiệm của chúng tôi thì nếu không có việc thật sự cần thiết bạn không nên về nước thăm gia đình vào thời điểm này. Vì đối với các ngày nghỉ bạn được phép đi làm toàn thời gian mà lương lại cao gấp 1, 2 lần so với ngày thường. Do đó, thời điểm nghỉ này cũng chính là thời điểm bạn “cày” tiền học phí thích hợp nhất.
Trong thời gian bạn theo học tại Nhật Bản bạn hoàn toàn có thể mời người thân sang Nhật Bản chơi. Thời gian lưu trú cho người thân bạn tại Nhật Bản là không quá 90 ngày. Chúng tôi sẽ hỗ trợ thủ tục mời người thân sang Nhật Bản cho bạn
19. Sau khi học xong mình có thể ở lại Nhật Bản làm việc hay không?
Kể từ năm 1977, tất cả các sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp từ bậc Trung cấp tại Nhật Bản cũng được phép ở lại Nhật Bản làm việc. Thời gian ở lại phụ thuộc vào hợp đồng của bạn ký với công ty tiếp nhận bạn. Ví dụ: sau khi tốt nghiệp Trung cấp, bạn xin vào làm việc tại 1 công ty Nhật Bản. Hợp đồng công ty ký với bạn là 3 năm thì Chính phủ Nhật Bản sẽ cấp Visa cho bạn 3,5 năm. Để nếu kết thúc hợp đồng với công ty này mà bạn không muốn làm nữa thì bạn có 6 tháng để kiếm việc khác. Nếu sau 6 tháng đó bạn vẫn không thể tìm được công việc thì bạn phải quay trở về Việt Nam.
20. Có khó khăn gì khi xin việc làm chính thức tại Nhật Bản sau khi tôi tốt nghiệp từ bậc Trung cấp trở lên tại Nhật Bản?
Nhật Bản là nước có “dân số già”. Do đó họ luôn khuyến khích những bạn trẻ ở lại làm việc. Tất nhiên mức lương mà họ trả cho bạn cũng bằng 70% họ trả cho người Nhật. Ví dụ lương cơ bản của người Nhật là 80 triệu/ tháng thì lương cơ bản của bạn khoảng 56 triệu/ tháng. Do đó cơ hội làm việc với bạn là rất lớn. Theo thống kê của chúng tôi thì có đến 98% du học sinh Việt Nam ở lại Nhật Bản làm việc sau khi tốt nghiệp.
21. Mình có được ở lại sinh sống và làm việc vĩnh viễn tại Nhật Bản hay không? Có được nhập quốc tịch Nhật Bản không?
Sau khi ở lại làm việc tại Nhật Bản được 5 năm, bạn hoàn toàn có đủ điều kiện xin Visa vĩnh trú tại Nhật Bản (lưu trú vĩnh viễn). Với Visa vĩnh trú bạn được hưởng đầy đủ các quyền công dân như 1 người Nhật Bản (trừ bầu cử, ứng cử, thành lập các tổ chức chính trị, tôn giáo). Người Nhật có quan điểm tương đối bảo thủ về vấn đề quốc tịch. Chỉ có 3 trường hợp được cấp Quốc tịch đó là: Kết hôn với người Nhật, tốt nghiệp từ Tiến sĩ trở lên tại Nhật, hoặc có công đặc biệt với nước Nhật.
22. Có hình xăm không được đi du học Nhật?
Một số trường tại Nhật từ chối du học sinh có nhiều hình xăm trên người. Nếu muốn đi, bạn cần xóa xăm. Hình xăm nhỏ và không lộ, khó phát hiện thì các bạn có thể yên tâm lên đường du học.
23. Thời hạn hoàn tất giấy tờ trước kỳ nhập học là bao lâu?
Thông thường bạn cần hoàn tất các thủ tục giấy tờ trước kỳ nhập học là 5 tháng, tùy từng trường và từng địa phương mà thời hạn này có thể thay đổi.
24. Học ngành nào ở Nhật để dễ xin việc?
Dưới đây là một số ngành học tại Nhật có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường xin được việc làm ngay, đúng chuyên ngành mà EC Group đã thống kê được:
- Công nghệ thông tin
- Điều dưỡng
- Điện tử điện lạnh
- Cơ khí ô tô
- Du lịch
- Nhà hàng, khách sạn.
25. Du học Nhật Bản tự túc cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Nếu không “săn” được học bổng du học Nhật, các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam có thể du học tự túc. Việc phải bỏ ra 100% học phí có thể có nhiều khó khăn song Chính phủ Nhật cho phép du học sinh được làm thêm 28 tiếng/ tuần, vì thế bạn có thể có thu nhập để trang trải cho cuộc sống.
Điều kiện để đi du học Nhật Bản tự túc:
- Độ tuổi 18 – 30, có bằng tốt nghiệp THPT, Trung cấp, Cao đẳng hay Đại học
- Trình độ tiếng Nhật đạt N5. Tu nghiệp sinh ở Nhật về nước 1 năm cần có tiếng Nhật N4 và không vi phạm pháp luật.
- Có người bảo lãnh tài chính là bố/ mẹ ruột. Người bảo lãnh phải có sổ tiết kiệm hoặc tài sản đảm bảo có giá trị tối thiểu 500 triệu đồng.
26. Cần đáp ứng điều kiện gì để xin được học bổng du học Nhật toàn phần?
- Trước hết, bạn cần có thành tích học tập xuất sắc. Điểm tổng kết 3 năm THPT của bạn phải từ 8.0 trở lên. Điểm càng cao thì cơ hội nhận học bổng toàn phần của bạn càng lớn
- Bạn sẽ được ưu tiên hơn nếu từng đạt giải quốc gia hoặc các kỳ thi quốc tế uy tín
- Có ngoại ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Nhật.
27. Học bổng du học Nhật Bản toàn phần có những loại nào?
Học bổng du học Nhật Bản toàn phần được phân loại theo từng đối tượng, cụ thể như sau:
- Học bổng cho các lãnh đạo trẻ
- Học bổng cho nghiên cứu sinh
- Học bổng cho giáo viên
- Học bổng cho sinh viên đại học; cao đẳng; trung cấp
- Học bổng cho sinh viên tiếng Nhật học văn hóa Nhật.
Ngoài ra còn có:
- Học bổng AYF (Học bổng Thanh niên Châu Á): dành cho người dưới 35 tuổi, thành thạo tiếng Anh nhưng không biết tiếng Nhật trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
- Học bổng JDS: dành cho các thạc sĩ là cán bộ trẻ đang làm tại các cơ quan nhà nước, cá nhân dưới 35 tuổi, thành thạo tiếng Anh, đã có 2 năm kinh nghiệm trong nghề đúng chuyên môn. Học bổng áp dụng cho các ngành: Luật, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Nông nghiệp…
- Học bổng AOYAMA: dành cho học sinh mong muốn theo học và làm việc lâu dài (3 – 4 năm) trong ngành điều dưỡng tại Nhật Bản.
28. Nếu trượt visa du học Nhật thì cần đợi bao lâu mới được xin lại visa?
Bạn cần đợi 6 tháng sau mới được xin lại visa. EC Group cũng muốn lưu ý rằng, việc nghiêm túc nhìn nhận lại vì sao bản thân trượt visa sẽ giúp các bạn có thể hoàn thiện mình hơn, trưởng thành hơn cũng như nâng cao khả năng đỗ visa ở lần phỏng vấn sau.
29. Chuyển từ visa du học sang visa kỹ sư cần đáp ứng những điều kiện gì?
Điều kiện cần là bạn phải có bằng chuyên môn và chứng chỉ tiếng Nhật N2.
- Với những bạn đã có bằng Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam các chuyên ngành kỹ thuật, IT, thực phẩm…; tiếng Nhật đạt trình độ N2, bạn có thể xin ngay vào một công ty của Nhật phù hợp chuyên môn và khả năng.
- Trường hợp mới tốt nghiệp THPT tại Việt Nam, các bạn cần sang học tại các trường Nhật ngữ. Sau khi tốt nghiệp trường Nhật ngữ sẽ học tiếp lên trung cấp, cao đẳng, đại học tại Nhật Bản. Kết thúc quá trình học chuyên ngành, các bạn cần xin được một công việc đúng chuyên môn tại Nhật Bản, sau khi có hợp đồng lao động, bạn có thể chuyển đổi sang visa kỹ sư.
30. COE là gì?
COE (viết tắt của Certificate or Eligibility) là giấy chứng nhận tư cách lưu trú cho du học sinh do Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản cấp. Nói cách khác, đây là tấm thẻ xác nhận tư cách lưu trú hợp pháp của bạn tại Nhật. Nếu lưu trú tại Nhật từ 3 tháng trở lên, bạn bắt buộc phải có loại giấy tờ này.
31. Nhuộm tóc có được đi du học Nhật Bản không?
Phần lớn các trường công lập của Nhật Bản quy định học sinh phải để tóc đen, nữ sinh để tóc thẳng, không được uốn. Nếu sai quy định có thể bị kỷ luật nặng, thậm chí bị đuổi học. Tuy nhiên sau sự việc một nữ sinh của nước này nhuộm tóc đen bị dị ứng và để lại di chứng nặng nề, quy định để tóc đen, thẳng của các trường Nhật không còn quá khắt khe nữa. Dù vậy, nếu muốn du học Nhật, các bạn cũng không nên nhuộm tóc màu quá sáng, tốt nhất không nên có sự khác biệt về màu tóc với số đông.